Có rất nhiều ý kiến đưa ra xung quanh giải pháp nâng độ tuổi nghỉ hưu của người lao động mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra nhằm giải quyết vấn đề thâm hụt nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Lý do tại sao lại tăng độ tuổi nghỉ hưu? Hướng giải quyết này nhằm tăng nguồn thu BHXH để chi trả cho lực lượng hưu trí, tạo nguồn thu dàn trải, đồng đều giảm bớt gánh nặng về việc tăng mức tiền đóng BHXH của người lao động để cân đối nguồn quỹ. Theo ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận định nguy cơ vỡ quỹ BHXH là rất cao nếu không hạn chế được số người nghỉ hưu sớm và đưa ra giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Tuy nhiên với thực trạng hiện nay, xét về nguồn thu, các doanh nghiệp với tư cách là chủ sở hữu lao động đã phải đóng tổng mức BHXH, BHYT và BHTN là 22% trên mức lương đăng kí bảo hiểm (BH), ngoài ra còn có khoản 2% phí công đoàn; người lao động thì phải đóng 10,5%. Tỉ lệ này thật sự là gánh nặng lớn đối với các doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã than vãn về mức quy định này và đưa ra kiến nghị mong muốn giảm tỉ lệ đóng BH nói chung và BHXH nói riêng, vì việc chi trả cho số ít người thì có thể kiểm soát được nhưng nếu lực lượng lao động của doanh nghiệp lên đến con số hàng trăm, hàng nghìn người thì số tiền phải đóng từ phía doanh nghiệp và số tiền thu về cho nguồn quỹ được đánh giá là không hề nhỏ và thật sự trở thành gánh nặng.
Vậy nguyên nhân do đâu dẫn đến vấn đề thâm hụt nguồn quỹ trong khi nguồn thu vào từ các doanh nghiệp chẳng phải là số tiền ít ỏi. Có ý kiến cho rằng “Một trong những lý do gây nên tình trạng thâm hụt nguồn quỹ BHXH là việc đầu tư ngoài ngành, đồng thời chi phí giải quyết cho thành phần quân nhân, công an nghỉ hưu sớm quá chênh lệch so với nguồn lực lao động không biên chế”. Thật ra, vấn đề không thể giải quyết thấu đáo nếu chỉ chăm chăm tìm hướng giải quyết cho nguồn thu vào trong khi đó không có sự quản lý khoa học đối với nguồn chi. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã đưa ra kiến nghị về vấn đề này “Mức hưởng lương của lực lượng công an, quân đội về hưu sớm đã cao mà lại để chung với nguồn quỹ của người lao động thì hoàn toàn không hợp lý, không thể lấy nguồn quỹ BHXH của người lao động để cứu vớt vấn đề thâm hụt”.
Qua đó, phần nào phản ánh khả năng quản lý yếu kém, cần có sự chỉnh sửa từ gốc rễ chứ không phải đơn thuần là nhìn nhận chỉ trên bề nổi bằng việc nâng độ tuổi nghỉ hưu và thay cách tính lương hưu, khắc phục tình trạng bằng cách đổ dồn trách nhiệm lên đầu người lao động được, như Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nhận định “Cần tìm hiểu nguyên nhân không thu được tiền bảo hiểm chứ không nhất thiết phải tăng độ tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ”. Trong khi đó, ở các nước trên thế giới, nguồn quỹ BHXH chính là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước, duy trì chế độ an sinh xã hội trong điều kiện tốt nhất, với tình hình hiện tại của đất nước, không yêu cầu quá cao đòi hỏi nguồn quỹ là một phương thức tạo vốn cho nền kinh tế mà cơ bản cần có sự đảm bảo cân đối thu chi thay vì tận thu bù chi dẫn đến nhiều hệ lụy đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, giải pháp tích hợp các khoản phụ cấp của người lao động để đóng mức phí BHXH cũng được đưa ra, người lao động phải chi trả gồm 8% mức lương cho BHXH cộng thêm khoản phụ cấp cố định, và bắt đầu từ 1/1/2018, thì khoản phụ cấp bổ sung sẽ được chuyển vào khoản tiền đóng BH. Tuy nhiên, khoản tiền phụ cấp bổ sung là khoản đầu vào không cố định, có sự chênh lệch vì còn tùy thuộc vào tính chất công việc, quá trình làm việc và hiệu quả lao động. Đây có phải là kế sách thật sự có lợi cho người lao động khi áp lực lại càng đè nặng lên vai các doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ đóng BHXH cao bắt buộc họ phải trả lương thấp cho người lao động để giảm bớt chi phí. Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nam Thái Sơn (TP.HCM) cho rằng quy định này sẽ khiến các doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh sẽ dần đuối sức và phải nhận thiệt thòi về mình, mặt khác dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị khác tìm cách trốn tránh trách nhiệm. Trên thực tế, có rất nhiều các doanh nghiệp non trẻ chọn con đường tắt, “lách luật” trong vấn đế pháp lý và kế toán. Vì thế, không thể cứ mãi đè đầu người đúng luật đóng cho người trốn luật được, nên yêu cầu đặt ra cần có sự minh bạch, rõ ràng để đảm bảo nguồn thu không bị thất thoát chẳng hạn như ban hành các dự thảo luật niêm phong tài khoản, khấu trừ trực tiếp trên tài khoản của cơ quan, đơn vị chậm đóng BH, luật truy cứu trách nhiệm người đứng đầu đơn vị chậm đóng, trốn đóng, luật chống thông đồng giữa người quản lý quỹ BH với các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp,… Cụ thể, việc xử lý những vi phạm đóng BH như hành vi trốn thuế cũng đã được Phó Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn đề cập đến, cũng như cần phải giảm thiểu đến mức tối đa tình trạng nghỉ hưu non bằng những quy định chặt chẽ hơn về độ tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, cần xét đến năng suất lao động và hiệu quả công việc, đối với việc tăng độ tuổi nghỉ hưu, mặc dù tận dụng triệt để nguồn nhân lực thâm niên, có trình độ chuyên môn cao, nhưng kéo theo lượng cầu nhân lực sẽ giảm, trong điều kiện nguồn cung về lao động thì dồi dào. Tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn đang tiếp diễn và có xu hướng trở nên rối rắm khi câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tận dụng triệt để được nguồn lực lao động trẻ, khỏe, sung sức, trình độ học vấn cao khi họ sở hữu những ưu điểm có khả năng nhạy bén, cập nhật kiến thức nhanh chóng?
Ngoài ra, chính sự bất cập trong chính sách thu chi và dịch vụ chăm sóc đối với người tham gia BHYT không được đảm bảo gây nên tâm lý hoang mang, e ngại, số người trong độ tuổi lao động trên thực tế quyết định không tham gia BH, mà dùng số tiền ấy để đầu tư làm ăn, tích lũy nguồn vốn cá nhân. Hoặc nếu có tham gia thì cũng dần chuyển sang sử dụng các gói dịch vụ tốn phí do hầu hết tại các cơ sở y tế, thủ tục rườm rà, thái độ và chất lượng phục vụ không tốt. Số lượng đối tượng không tham gia BH giảm đáng kể khiến nguồn thu phần nào thất thoát.
Việc có nên nâng cao độ tuổi nghỉ hưu hay không vẫn chưa thể giải quyết một cách thấu đáo được vấn đề thâm hụt để đảm bảo cân đối nguồn quỹ BHXH, nếu không có sự quán triệt tận thu tận chi, đảm bảo nguồn thu đáp ứng được nguồn chi trong giai đoạn tiếp theo.
Tác giả: Dung Thanh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn